WordPress SEO Checklist – 45 thủ thuật tăng lượng truy cập lên 571% trong 13 tháng

Một vài điều có thể khiến bạn nghĩ rằng “SEO đã chết “. Ví dụ, chỉ với một lần tìm kiếm, Google có thể trả về hơn 800.000 kết quả. Và thuật toán của SEO cũng đã thay đổi một cách đáng kể trong hơn một thập kỉ qua, nhưng điều đó không có nghĩa nó đã chết, đó chỉ đơn giản là sự thay đổi. Để giành được chiến thắng trong cuộc chơi không bao giờ dứt của SERPs,  những người làm kinh doanh phải biết nắm bắt và nhanh chóng có hướng tiếp cận mới với SEO. Thực tế, có nhiều công ty và blogs xây dựng toàn bộ việc kinh doanh của họ từ những Organic Traffic (lưu lượng truy cập tự nhiên) ngay từ khi họ bắt đầu. Mặc dù dễ mang đến rủi ro nhưng điều này cho thấy, Organic Traffic vẫn còn đất để dụng võ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn 45 thủ thuật WordPress SEO mà chúng tôi đã dùng với Kinsta. Hy vọng những cách sẽ giúp lượng truy cập website của bạn tăng vọt, trở thành kẻ thống lĩnh trong cuộc đua này.

70-80% người dùng bỏ qua các quảng cáo trả tiền và tập trung vào những kết quả tìm kiếm không mất phí” – theo imForza

SEO (Search Engine Optimize) là tập hợp các phương pháp và chiến lược để tối ưu hóa nội dung văn bản nhằm mục đích nâng cao thứ hạng website trong các trang tìm kiếm Google, Bing và Yahoo. Từ đó bạn sẽ thu về được nhiều lượng truy cập cho website mà không phải mất phí. Một mặt của SEO thiên về kĩ thuật, mặt kia lại như một trò chơi xây dựng thương hiệu theo cách tự nhiên của những người kinh doanh online.

Để lọt vào Top tìm kiếm với SEO, website phải mang lại những trải nghiệm chất lượng cao cùng với những nội dung tuyệt vời. Và người chiến thắng trong cuộc chơi này là những người làm seo tốt. Vậy làm thế nào để làm SEO tốt? Câu trả lời nằm trong chính vấn đề đặt ra. Sau đây là những phân tích về “organic trafic” của Kinsta. Khi nói đến Organic traffic tức là chúng tôi chỉ nói đến lưu lượng truy cập có được từ các công cụ tìm kiếm (không bao gồm trên social media, dịch vụ trả phí, …) Như bạn có thể thấy, trong vòng chưa đến 13 tháng, lượng truy cập của chúng tôi đã tăng vọt đến 571%.

cach-su-dung-yoast-seo-plugin-5

Lượng truy cập organic trong 13 tháng

Xếp hạng từ khóa của website cũng tăng gấp 3 lần dựa trên những thủ thuật và chiến lược sau đây. Hãy quên việc thuê một “nhà khoa học tên lửa” đi, ở đây bạn chỉ cần chăm chỉ và nhẫn nại.

Những từ khóa Organic

Hãy cùng tìm hiểu 45 thủ thuật WordPress Seo 2018 giúp bạn gặt hái được thành công trong cuộc đua trên SERPs (seach engine ranking positions). Bạn nhớ note lại bài viết này vì chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật thêm những chiến lược mà chúng tôi đã thử nghiệm thành công.

Mục lục hide

1. Tên miền: www hay non-www ?

Nếu bạn lập một website thì câu hỏi đặt ra đầu tiên là chọn địa chỉ có www hay không có www?  Và điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc làm SEO cho WordPress ? Nói một cách đơn giản thì thế này: dùng www chẳng có ích lợi gì sất. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến xếp hạng của website. Nhưng chúng tôi không có nói là bạn phải luôn luôn chọn địa chỉ không có www. Như bạn thấy, có nhiều website vẫn dùng www? Tại sao vậy? Đây là một vài lý do:

  • Ngày xửa ngày xưa, www được xem là chuẩn mực cho các tên miền website. Nhưng ngày nay thì nó không còn cần thiết nữa. Bạn thấy không, chúng tôi không dùng www cho địa chỉ Kinsta. Một trong những lý do bạn vẫn còn nhìn thấy www, đơn giản là vì sau khi nhiều năm sử dụng tên miền này, việc thay đổi có thể sẽ mang lại những rắc rối không cần thiết và phát sinh nhiều vấn đề khác. Vì vậy có nhiều người vẫn dùng nó.
  • Một lý do khác mà những công ty lớn với lượng truy cập nhiều vẫn dùng www là do DNS. Những tên miền “trần trụi” (không có www) về mặt kỹ thuật không thể có bản ghi CNAME để dùng khi chuyển đổi dự phòng. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều hướng xử lý cho vấn đề này.

Vì vậy, bỏ hay giữ www chủ yếu nằm ở việc bạn thích hay không. Nếu thích địa chỉ web ngắn gọn hơn thì bỏ www đi. Và bất kể bạn chọn phiên bản nào, thì hãy nhớ thiết lập chuyển hướng cho web để nó có thể chạy với bất kì tên miền nào.Ví dụ, nếu bạn vào www.kinsta.com, nó sẽ nhẹ nhàng chuyển bạn đến kinsta.com.

Với Google Search Console bạn có thể thiết lập tên miền mà bạn thích để nó xuất hiện trên Google là www hay non-www. Bạn nên thiết lập cho lựa chọn này, tuy nhiên, nếu bạn đang chạy plugin WordPress như Yoast SEO (sẽ được giới thiệu trong phần sau) thì không cần, vì plugin này sẽ tự động cho Google biết nó nên hiển thị phiên bản nào.

Thiết lập tên miền hiển thị

2. Cài đặt Plugin WordPress SEO

Về cơ bản WordPress cung cấp đủ các công cụ cần thiết để bạn chạy SEO. Tuy nhiên, chúng tôi luôn khuyên mọi người hãy cài thêm plugin SEO khi làm việc với WordPress. Điều này cho phép bạn toàn quyền điều khiển việc tối ưu hóa những gì Google tìm được từ website của bạn. Với những thuật toán phổ biến hiện nay thì các plugins miễn phí như Yoast SEO và All in One SEO Pack là những ứng viên sáng giá cho bạn với khả năng tối ưu hóa từ đầu đến cuối của chúng. Về cá nhân, chúng tôi thiên về plugin Yoast SEO và trong bài này chúng tôi cũng sử dụng Yoast SEO làm ví dụ.

Yoast SEO plugin

Yoast SEO plugin cho phép bạn viết nội dung và phân tích từ khóa tốt hơn, tự động tạo XML sitemaps, bật breadcrumbs, thêm social và schema markup, cũng như vô số các tối ưu hóa khác. Ngay tại thời điểm chúng tôi viết bài này, plugin này đã có hơn một triệu lượt cài đặt với mức rate ấn tượng 5/5 sao. Bạn có thể download chúng miễn phí từ free WordPress plugin trong kho WordPress hoặc làm theo các bước sau để cài đặt nó từ WordPress dashboard

Bước 1:

Tại mục Plugins của WordPress dashboard , click chọn Add New. Tìm đến Yoast Seo và click chọn Install Now

Cài đặt plugin Yoast SEO

Bước 2

Click chọn Activate

Chọn activate để cài đặt

Bước 3

Bây giờ bạn đã có một trình đơn Seo , bạn có thể truy cập các thiết lập cho plugin tại đây. Phần sau, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào các tùy chọn của Yoast :

Cài đặt Yoast SEO plugin

3. Thiết lập Permalinks thân thiện

Theo mặc định, WordPress cung cấp cho bạn những đường link rất “định mệnh” (cấu trúc URL) như kiểu: http://wp.dev/2016/11/03/hello-word . Chúng cứ quăng hết ngày tháng và tên tuổi vào URL như thế

Google “kết” những URLs có chứa tiêu đề hoặc những từ khóa có trong bài viết, nhưng nhìn chung càng ngắn càng tốt. Do đó bạn nên thiết lập ở phần “Post name” permalink để có được một đường link gọn gàng, xuất hiện tiêu đề và từ khóa trong URL. Ví dụ: http://wp.dev/hello-word/

Bạn có thể thay đổi cấu trúc “Post name” permalink theo cách sau: tại Dashboard -> Settings -> Post name -> Save Change

permalinks WordPress mặc định

Điều quan trọng cần lưu ý là khi bạn thay đổi cấu trúc permalink thì đường link của những bài đăng trước đó sẽ mất tác dụng, tức là nếu chúng đã được share trên mạng xã hội thì những link này không còn truy cập được nữa. Do đó nếu thay đổi cấu trúc permalink trên web của mình, hãy nhớ chỉnh sửa để chúng chuyển hướng những đường link cũ đến đường link mới bằng file .htaccess hoặc sử dụng plugin khác như Change Permalink Helper.

4. Luôn luôn sử dụng Từ khóa chính (Focus Keyword)

Dù sao google cũng chỉ là một thuật toán máy tính, và đó là lý do tại sao đến năm 2018, từ khóa vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong WordPress SEO. Rõ ràng bài viết của bạn cần hướng đến người xem và khách hàng vì Google đánh giá cao điều đó, nhưng hãy viết nó một cách thông minh. Bạn có thể dễ dàng viết những nội dung hướng đến khách hàng đồng thời kết hợp thực hiện SEO để bài viết được tối ưu hóa một cách tốt nhất. Và hãy nhớ rằng, những cỗ máy tìm khác như Bing và Yahoo thậm chí còn dựa vào nhiều hơn những thứ mà người ta gọi là “SEO cổ lỗ sỉ”

Bất cứ khi nào viết bài cho blog hoặc WordPress, hãy luôn luôn tập trung vào từ khóa chính. Đừng đăng bài theo kiểu post nhiều nội dung để nhìn cho vui và xôm tụ. Ở những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu hơn về việc nghiên cứu từ khóa. Bạn có thể dùng plugin Yoast SEO để dễ dàng thiết lập từ khóa chính mà bạn muốn. Ví dụ, từ khóa chính chúng tôi sử dụng cho bài đăng này là “WordPress SEO”. Bạn có thể thấy trong hình, Yoast SEO phân tích mật độ từ khóa và cho bạn biết nó cao hay thấp, như bài này mật độ của từ khóa chính được đánh giá là thấp. Nhìn chung, mật độ từ 0.5% trở lên được tính là ổn. Vì vậy chúng ta phải tìm cách lồng ghép từ khóa chính vào bài, để chúng xuất hiện một vài lần trong nội dung bạn viết.

Từ khóa chính

5. Sự quan trọng của Title Tags (thẻ Tiêu đề)

Việc để từ khóa chính xuất hiện trong tiêu đề bài đăng là hết sức quan trọng. Theo Biran Dean – chuyên gia SEO – ông cho rằng nếu có thể bạn nên đặt luôn từ khóa ngay đầu tiêu đề, như vậy sẽ gây được sức nặng với công cụ tìm kiếm. Ví dụ, tiêu đề bài đăng là “WordPress SEO – 45 thủ thuật tăng lượng truy cập lên 571% trong 13 tháng”. Chúng tôi đã đặt từ khóa WordPress SEO ngay đầu câu. Điều này không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được, nhưng nó có thể giúp ích cho việc push thứ hạng bài viết.

Như hình bên dưới, bạn có thể tự thiết lập Title tag trong Yoast SEO plugin. Và có một điều bạn cần biết đó là anh Google chỉ có thể nhìn được tối đa 65 ký tự, vì vậy nếu bạn sử dụng nhiều hơn, title có thể biến mất. Hiện nay chúng vẫn được tính bằng pixel, nhưng Yoast SEO sử dụng những ký tự gần giống như vậy. Và bạn biết không Title tags không chỉ ảnh hưởng đến SEO mà còn ảnh hưởng đến tỉ lệ nhấp chuột (CTR- Clickthrough Rate). Một vài báo cáo đã chỉ ra rằng, đối với những bài đăng mà có tiêu đề được tinh chỉnh thì chỉ số CTR tăng 20% .

Title tag

Những tiêu đề  dạng Split-testing và A/B testing có thể là một cách hữu hiệu khác làm gia tăng tỉ lệ CTR và theo một cách nào đó làm cho Google thấy được mối liên quan giữa bài bạn viết với nội dung nó đang tìm kiếm. Một vài plugins WordPress như Title Experiments và Nelio AB Testing có thể giúp bạn chạy thử nghiệm tiêu đề.

Còn về việc dùng tên công ty vào cuối Title tag thì sao? Điều này cũng không gây thiệt hại gì, nhưng bạn nên tự hỏi rằng liệu mình đã tận dụng hiệu quả không gian hạn hẹp của Title hay chưa? Việc để tên công ty không phải lúc nào cũng là một quyết định sáng suốt trong việc gia tăng CTR hoặc gia tăng mối liên quan đến vấn đề người khác đang tìm kiếm.

6. Gia tăng tỉ lệ nhấp chuột (CTR) với Meta Descriptions

Trong WordPress SEO, Meta descriptions không ảnh hưởng đến việc tính thứ hạng cho website. Tuy nhiên, nó lại ảnh hưởng đến CTR. Một đoạn Meta description được viết tốt có thể “dụ dỗ” người xem click vào nhiều hơn so với những kết quả hiển thị trên cùng một trang tìm kiếm. Và có thể nói rằng, chỉ số CTR càng cao càng liên quan tới việc Google đánh giá cao dữ liệu của bạn, từ đó thứ hạng trang cũng được tính cao hơn. Theo một nghĩa nào đó, meta descriptions có thể ảnh hưởng đến xếp hạng website. Nhưng theo sự tương quan truyền thống thì không. Bạn có thể tự cài đặt meta description trong plugin Yoast SEO.

Trước đây, bạn chỉ được phép nhập 156 kí tự nhưng vào tháng 12/2017 Google đã nâng cấp lên 320 kí tự, và hiện giờ đã giảm xuống còn 150-170 kí tự. .

Meta description

Sẽ là rất hay nếu trong meta description có từ khóa chính xuất hiện bởi vì Google sẽ tô đậm nó lên. Ví dụ, chúng ta search “coolest car” trong google. Trang Kbb có từ khóa “coolest car” trong Meta decription vì vậy Google tô đậm nó vì nó liên quan đến nội dung tìm kiếm của bạn. Do đó, việc sử dụng Từ khóa chính trong meta description sẽ làm cho website của bạn nổi bật hơn một chút.

Meta description được bôi đậm

Nhưng không có nghĩa là tất cả những gì bạn viết ở meta description sẽ luôn được xuất hiện trong trang tìm kiếm vì lâu lâu Google buồn buồn sẽ tự động “giúp” bạn viết lại meta descriptions.

7. Có nên sử dụng Meta Keywords không?

Bạn đang phân vân việc có nên sử dụng Meta keywords hay không? Câu trả lời cho bạn là “Không”. Thời của Meta keywords đã qua rồi, Google và Bing từng dựa trên meta keywords để xếp hạng website nhưng giờ thì nó đã rơi vào dĩ vãng. Nhưng đối với Yahoo, Yandex Russian hay Baidu thì lại là một câu chuyện khác, những nền tảng này vẫn dựa trên meta keywords, do đó sử dụng nó hay không phụ thuộc vào việc bạn trông cậy website của mình sẽ ăn nên làm ra tại trang tìm kiếm nào.

Theo Yandex thì <meta name=”Keywords” content=”…”/> – có thể được sử dụng khi xác định mức độ liên quan đến các truy vấn tìm kiếm. Nếu bạn muốn thêm Meta Keywords vào các bài đăng trên WordPress, bạn có thể kích hoạt nó trong plugin Yoast SEO theo các bước sau đây:

Bước 1

Tại tab Yoast SEO plugin, chọn “Title & Metas” -> Other -> Bật Enable trong tùy chọn “Use meta keywords tag” -> Save Changes

Bật meta keywords trong Yoast

Bước 2

Sau khi được kích hoạt, trong trang Post bài của WordPress, Meta keywords xuất hiện như bạn thấy ở hình dưới:

Meta keywords – Yoast SEO

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại, bạn không nên tốn thời gian vào Meta Keywords trừ khi bạn đang cần đẩy thứ hạng của web trên các trang tìm kiếm vẫn xem tính năng này là căn cứ đánh giá xếp hạng. Còn Google và Bing thì đã xếp xó nó lâu rồi.

8. Header Tags – H1, H2, H3

Những con bọ thu thập dữ liệu của Google sẽ kiểm tra các thẻ Header HTML như H1, H2, H3, v.v. để xác định sự liên quan trong nội dung trang web của bạn. Nói chung, tốt nhất là có 1 tag H1 trên bài đăng, tiếp theo là nhiều H2 và H3 phía dưới . Sự phân chia cấp bậc trong bài viết là rất quan trọng. Trong đó, H1 là header quan trọng nhất và bạn nên nhét từ khóa chính vào đó. Những headers khác cũng nên bao gồm từ khóa hoặc các biến thể dài hơn của từ khóa chính. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng header. Chúng là được dùng để phân chia nội dung bài viết và giúp người đọc dễ theo dõi hơn.

Hầu hết các themes của WordPress đều mặc định Tiêu đề của trang hoặc bài đăng là H1. Còn  header H2, H3, H4 là do bạn tự ấn định. Bạn có thể tự định dạng header như trong hình và Google sẽ đọc nó.

Header tags

Bạn cũng có thể dùng phím tắt để ấn định nhanh Header:

ALT + SHIFT + 2 (H2 header)

ALT + SHIFT + 3 (H3 header)

9. Tạo Alt Text cho hình ảnh

Alt Text được xem như tiếng nói của hình ảnh trên WordPress, giúp cho Google nhận biết nội dung của hình ảnh được đăng tải, từ đó xem xét được mức độ liên quan của hình ảnh với nội dung nó đang tìm kiếm. Chúng cũng được sử dụng trên trình đọc màn hình cho người khiếm thị. Ví dụ, nếu ai đó sử dụng phần mềm Dragon Naturally Speaking, Alt text thực sự giúp họ điều hướng trang tốt hơn. Bạn hãy nhớ luôn thêm Alt Text vào hình ảnh. Nếu đã quên, hãy quay lại và thêm chúng vào ngay đi.

Một điều may mắn cho bạn là trong WordPress bạn không cần phải biết mã code để thêm vào Alt text, bạn có thể thêm chúng vào ảnh một cách đơn giản từ media library hoặc click chuột vào ảnh và chỉnh sửa nó. Bạn có thể nhanh chóng thêm Alt text vào hình ảnh có sẵn theo các bước sau:

Bước 1

Clich chọn hình ảnh -> Edit

Chỉnh sửa WordPress image

Bước 2

Bạn chèn mô tả cho Alt Text tại ô “Alternative Text”. Sẽ có lợi hơn nếu bạn thêm  từ khóa chính vào đây. Tuy nhiên, đừng thêm từ khóa chính vào toàn bộ ảnh, mọi thứ với SEO chỉ nên dừng ở mức độ vừa đủ. Và bạn nên nhớ Google không thích spam

Thêm alt tag vào ảnh

Add alt tag to image

10. Tạo Title Text cho hình ảnh

Image Tile Text cho phép bạn tạo ra những tooltip trên hình ảnh, khi người xem vô tình lướt qua hình ảnh, nó sẽ tự động hiển thị. Mặc dù Image Title Text không giúp ích trong việc nâng cao thứ hạng trang web nhưng nó giúp cho người xem có những trải nghiệm tốt hơn tại web của bạn. Cũng như Alt text, bạn không cần phải biết mã code để thêm vào Image Title Text, bạn có thể thêm nó trong media library hoặc click ngay vào hình ảnh để chỉnh sửa. Để chỉnh nhanh Image Title Text vào một hình có sẵn, bạn có thể làm theo các bước sau:

Bước 1

Click vào hình chọn Edit

Chỉnh sửa WordPress image

Bước 2

Bạn có thể thêm Title Text trong mục Image Title Attribute

Image title tag

Title text sẽ hiện lên như một chú giải khi bạn di chuyển qua hình ảnh của mình

Hộp Image title tag

11. Từ khóa chính xuất hiện trong đoạn đầu bài viết

Trong WordPress đoạn mở đầu bài viết rất quan trọng. Bạn phải luôn luôn đặt từ khóa chính vào đó. Bởi vì trình thu thập dữ liệu của Google sẽ dò từ trên xuống dưới và nếu nó tìm thấy từ khóa chính của bạn trong bài viết, nó sẽ cho rằng nội dung của bạn có liên quan đến chủ đề nó đang tìm. Thậm chí, Plugin Yoast Seo sẽ kiểm tra việc này giúp bạn, xem bạn đã thực hiện tốt hay chưa.

Từ khóa chính trong đoạn đầu bài viết

12. Content is King

Câu nói “Content is King” luôn luôn đúng. Google và người xem rất thích những nội dung có chất lượng. Nhìn chung nếu bạn đăng những bài viết có nội dung dài và chất lượng thì thường sẽ tốt hơn việc đăng những bài có nội dung ngắn củn. Điều này có thể tùy thuộc vào từng trường hợp. Như trang web của bạn cung cấp tin thời sự thì dĩ nhiên phải ngược lại. Nhưng hết lần này đến lần khác những bài đăng có nội dung dài vẫn chứng mình mình là kẻ chiến thắng trong cuộc chơi trên SERPs. Một thống kê từ Capsium Mediaworks cho thấy nội dung dài quan trọng như thế nào:

Độ dài nội dung trong SEO

Từ hình trên, ban có thể thấy được những website nằm ở top đầu là những website có nội dung dài hơn. Thực tế, thì ngày nay độ dài cho một bài viết phải là 2000 từ hoặc hơn.

Năm 2016, nhà tiếp thị mạng nổi tiếng, Neil Patel đã đăng một bài viết rất hay về việc “Làm thế nào bài viết có nội dung dài có thể giúp nâng cao thứ hạng trang web của bạn”. Và bạn cũng thấy chúng tôi đã áp dụng điều này vào Kinsta, mặc dù, chúng tôi cũng không dùng nhiều thời gian lắm vào việc đăng tải các nội dung này trong một thời gian dài.

Theo một nghiên cứu của CanIRank vào đầu năm 2017 về sự ảnh hưởng từ độ dài của bài viết. Họ đã phân tích mọi thứ, như là xem xét liệu rằng những bài đăng có nội dung dài hơn có tạo ra được nhiều backlink hơn hay không và điều gì xảy ra với các trang thứ ba, thứ tư. Trong một thời gian ngắn, họ đã thấy rằng độ dài bài viết, thậm chí so với các yếu tố khả dụng khác, vẫn có ảnh hưởng nhiều hơn đến việc tính thứ hạng website.

Độ dài nội dung

Một lợi thế khác từ bài viết dài là theo thời gian không chỉ những từ khóa chính mà ngay cả những biến thể dài hơn của từ khóa cũng sẽ bắt đầu được tính thứ hạng, thỉnh thoảng việc này có thể lên đến hàng trăm từ khóa. Và đôi khi lượng truy cập có được từ biến thể của từ khóa còn nhiều hơn cả từ khóa chính. Đây thật sự là cuộc chơi win-win khi nói đến nội dung dài.

13. Dùng URLs ngắn

Google thích những trang WordPress có địa chỉ dễ đọc, có tổ chức và kết cấu; điều này bao gồm cả việc sử dụng URLs ngắn. Chúng có thể giúp bạn cải thiện tỷ lệ nhấp chuột CTR. MarketingSherpa đã làm một nghiên cứ và họ phát hiện ra rằng những nhà điều hành có xu hướng nhấp vào những kết quả tìm kiếm không phải trả tiền nhiều hơn 250%, nếu:

– có URL ngắn và

– xuất hiện ngay phía dưới một list các URL dài

Chúng ta có thể làm gọn đường link, đơn giản chỉ sử dụng từ khóa chính như sau:

Bước 1

Chọn nút Edit nằm cạnh bên đường link

Chỉnh sửa URL trong WordPress

Bước 2

Nhập vào URL mà bạn muốn. Giữa các từ phải có dấu gạch nối. Sau đó click OK. Chúng ta có đường link mới, nhìn đẹp hơn hẳn.

URL ngắn

Điều quan trọng bạn cần nhớ là mỗi URL hay slug trong WordPress phải là duy nhất. Do đó, không thể nào có chuyện 2 bài đăng hoặc 2 trang nào đó dùng chung một URL. Hãy nhớ kĩ điều này trước khi tạo URL.

14. Đặt tên hình ảnh một cách thông minh

Có một việc mà rất nhiều chủ thớt WordPress hay làm tào lao, đó là đặt tên hình ảnh. Với một vài bước thực hiện SEO theo cách tốt nhất, bạn thực sự có thể tăng thêm được một chút khả năng cạnh tranh cho web của mình trong SERPs và Google Image Search.

  • Luôn luôn đặt tên hình ảnh bằng những từ ngữ có liên quan đến nội dung bài viết trước khi đăng tải chúng. Ví dụ, thay vì đặt tên DC0000.JPG, hãy đổi thành wordpress-seo.JPG
  • Luôn luôn sử dụng dấu gạch nối giữa các từ khi đặt tên hình ảnh. Ví dụ, nếu bạn đặt tên là wordpress_seo.JPG hay wordpressseo.JPG, Google sẽ thực sự bó cuốc. Nó chỉ đọc được những cái tên mà có dấu gạch nối như: wordpress-security.jpg
  • Đặt tên hình ảnh có chứa từ khóa chính, bét lắm là phải có trên tấm hình thiết lập ở Image Featured. Chúng tôi luôn luôn đặt tên cho tấm hình đặt tại Featured Image bằng từ khóa chính.

15. Tầm quan trọng của liên kết Dofollow và Nofollow

Khi nói đến WordPress Seo, người ta thường nói đến 2 loại liên kết cơ bản là dofollow và nofollow. Vậy sự khác nhau cơ bản giữa chúng là gì?

Dofollow Links

Theo mặc định, mỗi liên kết tạo ra trên trang WordPress đều là dofollow. Google dò tìm trên nhiều website và khi tìm thấy liên kết dofollow thông qua các link juice, nó sẽ tự kết nối website này với website khác. Điều này giúp xây dựng mức độ uy tín cho trang web đồng thời ảnh hưởng đến việc tính thứ hạng website trên Google. Chắc hẳn bạn đã mọi người nói đến việc cần nhiều hơn các backlinks cho web, và thường thì họ sẽ tham khảo các links dofollow từ các trang web có uy tín hơn. Nói chung, càng nhiều liên kết dofollow càng tốt.

Nofollow Links

Như bạn thấy bên dưới, nofollow là các liên kết có thuộc tính rel=”nofollow”

<a href=”https://kinsta.com” rel=”nofollow”>my link</a>

Liên kết nofollow cho Google biết nó không cần chuyển các liên kết này đến nơi khác, nó chỉ cần bơ chúng đi. Đường cho rằng các links nofollow không quan trọng. Liên kết nofollow vẫn có thể mang đến lượng truy cập khi nó thậm chí không tạo ra các kết nối. Ví dụ, đường link trên profile Twitter là nofollow như trong hình. Nhưng, đường link này vẫn có thể mang lại được rất nhiều lượng truy cập và vì vậy nó vẫn quan trọng.

Điều này giúp xây dựng uy tín website và ảnh hưởng đến xếp hạng trên Google

Nofollow link

Xây dựng một hồ sơ backlink về tỉ lệ tốt của các liên kết dofollow và nofollow là cách tiếp cận tốt nhất và an toàn nhất.

16. Thêm các Interlinks (Liên kết nội bộ)

Interlinks là những đường link nội bộ liên kết các trang và bài viết trong cùng một website lại với nhau. Thường thì bạn sẽ dùng các liên kết này khi muốn dẫn link tham khảo từ các nội dung đã viết hoặc để liên kết nó với landing page (trang đích)

  • Giúp điều hướng trên trang của bạn và khiến người xem dành nhiều thời gian hơn cho web.
  • Giúp phân cấp thông tin và cấu trúc của web
  • Giúp mở rộng sự liên kết trên website của bạn nếu nó là các liên kết dofollow

Bạn nên thêm ít nhất 3-5 internal link vào mỗi bài viết, tùy theo độ dài nội dung. Bạn có thể dễ dàng tạo interlink theo các bước sau:

Bước 1

Để tạo một hyperlink bạn click chọn kí hiệu như trong hình, hoặc bôi đen cụm từ cần gán liên kết và bấm Ctrl + K. Sau đó chọn “Link options”

Thêm link

Bước 2

Chọn bài viết bạn muốn liên kết. Bạn cũng có thể tìm các bài liên kết trong khung search phía dưới.

Internal link

17. Thêm liên kết ngoài từ các web có uy tín

Cũng giống interlink, trong bài đăng của mình bạn nên dẫn link từ các trang web có uy tín. Điều này sẽ khiến cho Google đánh giá cao nội dung của bạn vì nó cho rằng thông qua bài đăng này, người xem có thể nhận được nhiều hơn các thông tin có chất lượng từ các web có uy tín khác.

Đó cũng là một cách hay để bạn bắt chuyện với các doanh nghiệp khác. Nếu như bạn dẫn link của một công ty nào đó trong bài viết, hãy gửi cho họ một email hoặc đề cập đến họ trong tweet để nhờ họ chia sẻ bài đăng giúp bạn. Nếu họ chia sẻ nó trên trang của họ, ngay lập tức bạn sẽ có được một lượng truy cập miễn phí . Chúng tôi đã áp dụng cách này rất nhiều lần và nó thật sự mang lại hiệu quả.

Trong bài viết nên có ít nhất 2 liên kết ngoài. Và chúng nên được bật mở trong 1 tab mới hoặc 1 cửa sổ mới, đây là một mẹo nhỏ để giữ chân người xem quay lại trang web của bạn. Một số người không thích điều này, nhưng trong khi nhiều người có thể đã quên mất xứ trang web của bạn sau khi dạo qua trang khác ,thì website của bạn vẫn còn được hiển thị trong tab khác để nhắc họ quay lại . Sau đây chúng tôi sẽ chỉ bạn cách thiết lập cài đặt để liên kết ngoài được hiển thị trong tab hoặc cửa sổ mới:

Bước 1

Để tạo hyperlink, click chọn nút link như trên hình, hoặc bôi đen từ muốn tạo liên kết và bấm ctrt+K. Nhập đường link vào và chọn Link Options

Thêm link

Bước 2

Chọn Open link in a new tab. Mã HTML sẽ thể hiện target=”_blank” như sau:

<a href=”https://kinsta.com” target=”_blank”>Kinsta</a>

Mở cửa sổ mới trong 1 tab mới

Nhiều blogger hay cài đặt để link ngoài được mở trong một tab khác còn link nội bộ thì mở trực tiếp tại tab đang xem.

18. Affiliate Links

Rất nhiều blogger và thậm chí một số doanh nghiệp sử dụng affiliate links trên trang của họ. Nói chung, affiliate links được sử dụng khi bạn muốn theo dõi hoa hồng, giới thiệu một sản phẩm hoặc đăng ký giữa các web. Và tin xấu cho bạn là anh Google không thích các affiliate links. Thậm chí một số trang đã bị phạt vì có quá nhiều affiliate links. Để sử dụng affiliate link một cách an toàn, hãy nhớ luôn luôn thiết lập chúng ở dạng nofollow. Và để bảo đảm được điều này bạn có thể sử dụng plugin affiliate ví dụ như Pretty Links.

Pretty Links cho phép bạn tạo ra những affiliate links ngắn gọn, dễ hiểu và chúng luôn được mặc định ở dạng nofollow cũng như chuyển hướng với mã 301 (mã HTTP từ server cho biết trang nội dung đang được yêu cầu đã được chuyển hướng hoàn toàn sang một trang mới) . Ví dụ, một đường link là https://domain.com/go/kinsta. Những liên kết này chuyển hướng nội bộ để bạn có thể truy cập được dữ liệu báo cáo về số lần click chuột trên mỗi đường link.

Affiliate links

19. Sitemaps

Các cỗ máy tìm kiếm như Google, Bing và Yanded sử dụng sitemaps để biết được cấu trúc và hệ thống cấp bậc trong trang WordPress của bạn, cũng như đảm bảo việc thu thập thông tin tốt hơn. Vây có bắt buộc phải có Sitemaps không?  Câu trả lời là không, các cỗ máy tìm kiếm sẽ thu thập thông tin trên website của bạn mà không cần đến nó, nhưng nếu có sitemaps chúng sẽ có thêm nhiều dữ liệu hơn về web của bạn. Do đó, bạn nên tạo một sitemaps cho web. Thực sự Plugin Yoast SEO có khả năng tự động tạo ra một sitemap cho bạn, hãy làm theo các bước sau để bật tính năng này:

Bước 1

Trong thẻ Yoast Seo -> chọn XML Sitemaps -> Enable

Tệp XML sitemap

Bước 2

Bạn nên kiểm tra lại file XML sitemap vừa được tạo ra. Để mở file bạn click vào nút XML Sitemap, thường là nó được lưu tại thư mục gốc trong domain của bạn.

https://domain.com/sitemap_index.xml

Nội dung file XML Sitemap sẽ trông giống như hình bên dưới. Phần tiếp theo, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cách submit file này cho Google và Bing để hối thúc chúng thu thập thông tin và lập chỉ mục .

Tệp XML sitemap

20. Submit Sitemap đến Google Search Console

Khi đã có file XML sitemap, bạn nên gửi nó đến Google Search Console để  bổ sung  dữ liệu về hiện trạng trang WordPress của bạn. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giả định rằng bạn đã có tài khoản Google Search Console. Nếu chưa bạn nên đăng ký nó ngay bây giờ.

Bạn đăng nhập vào Google Search Console -> click chọn Sitemaps ở phía dưới mục Crawl -> Add/Test Sitemap. Nhập vị trí của file sitemap mà bạn đã tạo ra trong bước trước  à Summit.

Nó sẽ chỉ ra cho bạn có bao nhiêu trang/bài đăng đã submit và bao nhiêu cái đã được lập chỉ mục. Google sẽ tự động dò tìm file sitemap của bạn một cách thường xuyên

Submit sitemap file đến Google

21. Submit Sitemap đến Bing Webmaster Tools

Giống như Google Search Console , bạn cũng nên gửi trang của mình đến Bing Webmaster Tools.

22.Submit Sitemap đến Yandex Webmaster Tools

Giống như Google Search Console và Bing Webmaster Tools, bạn cũng nên gửi trang của bạn đến Yandex. Đây là một trang tìm kiếm phổ biến tại Nga, nếu bạn có lượt truy cập trên toàn cầu thì nó có thể giúp bạn.

23. Cài đặt Force Crawl để đẩy nhanh việc thiết lập chỉ mục (Faster Indexing)

Khi bạn đăng bài viết của mình lên trang WordPress , Google sẽ xác định thời gian để thu thập dữ liệu và sau đó thiết lập chỉ mục nội dung của bạn. Điều này diễn ra trong vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, có một cách ngay lập tức giúp bài đăng của bạn được thiết lập chỉ mục trên Google và Bing. Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn một mẹo nhỏ tiện dụng sau đây:

Force Crawl trong Google Search Console

Để bật tính năng Force Crawl (bắt buộc dò tìm) cho một bài viết trên WordPress bạn đăng nhập vào Google Search Console -> chọn Fetch as Google có trong Crawl  -> nhập URL à Fetch

Force crawl trong Google Search Console

Sau đó bạn click vào Request Indexing và đường dẫn của bạn sẽ ngay lập tức được lập chỉ  mục trong SERPs. Lưu ý, Google không bảo đảm rằng nó sẽ lập chỉ mục cho link này ngay và luôn. Tuy nhiên, trong những thử nghiệm của chúng tôi, cách này luôn hiệu quả. Để việc lập chỉ mục diễn ra nhanh hơn, bạn phải chắc chắn rằng WordPress của bạn có tốc độ load nhanh và không chặn bọ thu thập dữ liệu của Google.

Yêu cầu lập chỉ mục

Force Crawl trong Bing Webmaster Tools

Tương tự tại Bing Webmaster Tools, bạn chọn Submit URLs trong mục Configure My Site -> nhập URL -> Submit

Force crawl trong Bing Webmaster Tools

24. Sử dụng Social Signals (tín hiệu xã hội)

Social Signals có giúp gì choWordPress Seo không?  Chẳng hạn như khi bạn đăng tweet, chia sẻ, hay upvote web, …. Câu trả lời là: hên xui, có hoặc không. Nhưng trước mắt, bạn có thể thấy được nó có ảnh hưởng tạm thời đến xếp hạng  của website  trên các trang tìm kiếm. Chúng ta thấy được điều này từ Reddit và Ycombinator. Trước đây, những bài đăng đang được trend trên trang sẽ ngay lập tức xuất hiện trong trang đầu Google. Sau khi ngừng trend, thứ hạng của chúng có xu hướng dao động, tụt hạng và trở về đúng vị trí xếp hạng lâu dài của mình. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Theo giả thuyết của chúng tôi có thể là do lượng truy cập khổng lồ kết hợp social signal đã khiến cho Google đánh giá cao các trang này, chính điều này đã đẩy mạnh xếp hạng của chúng trên các trang tìm kiếm.

Rất nhiều SEOs sẽ tranh cãi về điều này nhưng trước mắt chúng tôi đã thấy tình trạng này xảy ra một vài lần. Bài đăng của bạn xuất hiện trên Frontpage của Reddit, và ngay lập tức bạn sẽ thấy nó nằm “hiên ngang” tại trang  1 tìm kiếm. Tuần tiếp theo, bài đăng rớt hạng và lui về nằm giữa trang thứ hai tìm kiếm. Điều này làm cho bạn phải quay lại và tối ưu hóa bài đăng, xây dựng lại các backlinks … để đưa nó quay lại đường đua của mình.

Dưới đây là một ví dụ, chúng tôi dùng một số từ khóa và gửi cho chúng rất nhiều lượng truy cập, vài ngày sau xếp hạng của chúng đã tăng vọt trên các trang tìm kiếm .

Lưu lượng truy cập từ Social signals

Để bài viết của bạn được lan truyền rộng rãi nhất thì cách đơn giản nhất là thông qua share và social signals. Càng có nhiều lượt truy cập thì càng ảnh hưởng đến xếp hạng website, vì vậy hãy tận dụng lợi thế từ social media càng nhiều càng tốt.

25. Nghiên cứu từ khóa

Như chúng tôi đã đề cập trước đó, Google là một thuật toán máy tính, do đó nó phải dựa trên một số thứ để làm căn cứ đánh giá xếp hạng các website. Và từ khóa là một trong số đó. Cho đến năm 2018, từ khóa vẫn cho thấy vai trò quan trọng của mình trong SEO WordPRess. Chúng tôi sẽ lấy ví dụ từ chính khách hàng của mình. Tháng 10/2015, khách hàng chúng tôi chính thức đưa trang web của họ vào hoạt động lại. Chưa tới một năm, website đã thu về một lượng người xem ấn tượng, và hiện nay mỗi tháng có hơn 120.000 lượt khách ghé thăm, lượng traffic organic chiếm đến 95%. Và điều đáng nói ở đây là họ chỉ mất 2-3 giờ/tuần để chăm sóc website,. Vậy họ đã làm điều này như thế nào? Câu trả lời nằm ở chỗ họ đã biết tìm cho mình một ngách thị trường phù hợp, và bỏ thời gian nghiên cứu từ khóa

Nghiên cứu từ khóa

Có rất nhiều công cụ hay giúp bạn tìm kiếm từ khóa. Một vài công cụ yêu thích của chúng tôi là KWFinder, SEMrush và Ahrefs.

Mẹo cho bạn: chọn một từ khóa có lượng tìm kiếm nhiều nhưng đừng quá cạnh tranh

Và đừng quên thực hiện SEO đa ngôn ngữ. Những từ khóa viết bằng ngôn ngữ khác đôi lúc sẽ ít bị cạnh tranh hơn. Như thị trường Anh đã rơi vào tình trạng bão hòa khi nói đến Marketing nội dung và SERPs. Ví dụ, trong tiếng anh, khi tra cứu thuật ngữ “Marketing strategies”, chúng tôi thấy rằng có hơn 40.000 lượt tìm kiếm nó mỗi tháng. Và điều này sẽ rất khó để xếp hạng nó. Nếu bạn nhìn vào các trang tìm kiếm, bạn sẽ ngay lập tức thấy được đối thủ của bạn là vô vàn những trang web có uy tín khác. Nếu thông minh, bạn sẽ không bao giờ dính vào từ khóa này.

Số lượng từ khóa

Bây giờ chúng ta cũng dùng thuật ngữ này nhưng bằng tiếng Tây Ban Nha, “estrategias de marketing”, chúng tôi nhận thấy không có quá nhiều lượng tìm kiếm, chỉ khoảng 15.000/tháng. Và bạn đoán thử xem? Không khó để xếp hạng cho nó. Số lượng trang web bạn phải cạnh tranh đã giảm xuống mức 40. Đây chính là điều bạn nên nắm lấy. Khi sử dụng các ngôn ngữ khác, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thuật ngữ dễ dàng hơn cho việc xếp hạng.

Lượng từ khóa trong tiếng Tây Ban Nha

  1. Xây dựng backlinks

Khi nói đến WordPress SEO, chúng ta phải nhắc đến backlinks. Bởi backlink chính là sợi dây liên kết mà Google sử dụng để đánh giá mức độ liên quan giữa web của bạn với các trang web có cùng nội dung với bạn.  Khi một trang web có uy tín thiết lập liên với web của bạn, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ. Thông qua việc phân tích hơn một triệu kết quả tìm kiếm,Brian Dean đã kết luận rằng Backlinks là một yếu tố xếp hạng quan trọng.

Nói chung, nếu ngày càng có nhiều web khác dẫn link của web bạn thì đó là một tín hiệu đáng mừng. Điều này nghĩa là theo thời gian sẽ ngày càng có nhiều website liên kết với bạn hơn. Và trên thực tế, trong nghiên cứu mà Brian đã làm, số lượng referring domains sẽ tạo ra mối tương quan mạnh nhất trong toàn bộ nghiên cứu. Các trang web có nhiều referring domains  hơn là các trang web có xếp hạng cao hơn.

Referring domains

Matthew Barby cũng đã làm phân tích với 1 triệu đường link và nhận thấy rằng, blacklinks đóng một vai trò rất quan trọng. Trung bình, top 2 tìm kiếm trên trang 1 của Google  chiếm gần 38% lượng backlinks của toàn bộ các page xuất hiện trong trang 1.

Ahrefs là một công cụ khá hay cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quát về backlink Bạn có thể biết được tổng số backlinks , số lượng referring domain, những từ khóa organic, …Một tính năng khác khá hay của Ahrefs là việc thông báo backlink. Chúng tôi cũng đã thử qua một vài công cụ backlink khác và thấy rằng Ahrefs cung cấp số liệu chính xác hơn. Mục “new backlinks” sẽ cho bạn biết khi có những website mới liên kết đến trang của bạn. Như hình bên dưới cho thấy vài ngày trước có một ai đó đã dẫn link bài Google Amp.

Các backlink mới

MẸO NHỎ: Khi bài đăng của một ai đó dẫn link trang web của bạn, hãy giúp họ chia sẻ bài đăng đó. Điều này sẽ góp phần tạo ra các social signals cho họ và giúp tăng uy tín trang của họ. Và bạn thì đang cần liên kết với các trang có uy tín hơn. Vì vậy theo một cách nào đó bạn cũn đang giúp chính mình nhờ vào việc chia sẻ nội dung cho họ.Và đừng sợ việc phải liên hệ với các blogger khác để nhờ họ đăng bài viết nổi bật của mình lên blog của họ.

27. Lợi thế của WordPress SEO HTTPS

Google đã chính thức nói rằng HTTPS được xem là một yếu tố xếp hạng. Tuy chỉ là một yếu tố nhỏ, nhưng tại sao bạn không tận dụng lợi thế từ nó để có thể đánh bại đối thủ cạnh tranh của mình trong SERPs? Hãy nghĩ xa hơn, Google thúc đẩy mọi người chuyển sang HTTPS, vậy trong tương lai trọng số xếp hạng này có nhiều khả năng sẽ gia tăng

Hãy nhìn vào dữ liệu liên quan giữa SEO và HTTPs. Marthew Barby đã phân tích 1 triệu URLs và nhận thấy rằng hơn 33%  những website chiếm thứ hạng 1,2,3 trong Google sử dụng định dạng HTTPS

HTTPS liên quan đến xếp hạng trên Google

28. Schema Markup

Chắc hẳn bạn đã nghe qua thuật ngữ “schema markup’ hay “structured markup”. Schema markup đơn giản là một mã bổ sung để giúp các cỗ máy tìm kiếm như Google cung cấp dữ liệu ngày càng tốt hơn đến người xem. Bạn có nhìn thấy những ngôi sao ngay phía dưới các đường link xuất hiện trong trang tìm kiếm không? Đó là Schema markup. Schema markup là những đánh giá của người xem về website, nó rất có ích trong việc giúp gia tăng tỉ lệ nhấp chuột.

Vậy những ngôi sao nào có thực sự giúp ích gì không? Viện CXL đã tiến hành một nghiên cứu và họ thấy rằng cả hai công ty sử dụng các sao đánh giá đều có tỷ lệ nhấp chuột cao hơn đáng kể, nhiều đến 35%. Kết luận của họ là chiến lược này mang lại kết quả cao hơn.

Rất nhiều themes WordPress đã tích hợp sẵn schema markup nhưng một vài themes thì không có. Bạn có thể kiểm tra web hoặc blog của mình bằng công cụ Google Structured Data Testing tool. Nếu kết quả trả về khung bên phải trống hoàn toàn, nghĩa là trang web WordPress của bạn không có schema markup.  Ngược lại nó sẽ trả về kết quả thông báo lỗi hoặc hiện trang của schema markup đang sử dụng.

Cấu trúc dữ liệu Schema

Để thêm schema markup vào WordPress,bạn nên sử dụng plugin Schema miễn phí. Nó sẽ tự động thêm markup vào. Sau đó, bạn có thể kiểm tra tra lại bằng Google’s structured data testing tool.

29. Social Markup

Bên cạnh các schema markup còn có các social markup. Social markup là những thumnails Facebook, Twitter … xuất hiện trong bài viết trên trang wordpress của bạn để giúp người xem có thể dễ dàng chia sẻ chúng thông qua mạng xã hội. Rất may là tính năng này có sẵn trong plugin Yoast SEO. Plugin  sẽ thêm social markup cần thiết cho bạn. Mặc dù không biết rõ những social markup này gây ảnh hưởng đến WordPress SEO như thế nào, nhưng cũng chẳng mất mát gì khi để Google biết rằng trang web của bạn có kết nối với social media.

Để tùy chỉnh tính năng này như phóng to thu nhỏ thumnails, cho phép thumnail nào xuất hiện bạn vào phần Social trong mục Yoast SEO.

Yoast social markup

Đây là một ví dụ về mã code được tự động thêm vào cho bạn bởi plugin Yoast SEO. Facebook và Google sử dụng những thẻ OG để lấy thông tin còn Twitter sử dụng thông tin meta của riêng nó.

<meta property=”og:locale” content=”en_US” />

<meta property=”og:type” content=”article” />

<meta property=”og:title” content=”How to Install WordPress Locally the Easy Way” />

<meta property=”og:description” content=”Sometimes it can be more convenient to work with WordPress on your own machine. Check out how to install WordPress locally the easy way with DesktopServer.” />

<meta property=”og:url” content=”https://kinsta.com/blog/install-wordpress-locally/” />

<meta property=”og:site_name” content=”Kinsta Managed WordPress Hosting” />

<meta property=”article:publisher” content=”https://www.facebook.com/kinstahosting” />

<meta property=”article:section” content=”Development” />

<meta property=”article:published_time” content=”2016-11-03T03:15:35-08:00″ />

<meta property=”article:modified_time” content=”2016-11-06T18:55:53-08:00″ />

<meta property=”og:updated_time” content=”2016-11-06T18:55:53-08:00″ />

<meta property=”fb:admins” content=”1407415661″ />

<meta property=”og:image” content=”https://kinsta.com/wp-content/uploads/2016/11/install-wordpress-locally.jpg” />

<meta name=”twitter:card” content=”summary_large_image” />

<meta name=”twitter:description” content=”Sometimes it can be more convenient to work with WordPress on your own machine. Check out how to install WordPress locally the easy way with DesktopServer.” />

<meta name=”twitter:title” content=”How to Install WordPress Locally the Easy Way” />

<meta name=”twitter:site” content=”@kinsta” />

<meta name=”twitter:image” content=”https://kinsta.com/wp-content/uploads/2016/11/install-wordpress-locally.jpg” />

<meta name=”twitter:creator” content=”@brianleejackson” />

30. Ngày update gần nhất trên trang các trang tìm kiếm

Đây cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Bạn nên xóa ngày đăng trên bài viết hay để chúng là ngày update gần nhất?  Thậm chí một số người còn cho rằng ngày hiển thị trên các bài đăng có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến xếp hạng.

Ngày update

Điều này phụ thuộc vào nội dung bạn đăng trên web. Nếu nội dung của bạn theo kiểu “hàng mới tươi xanh” hàng ngày thì bạn nên để ngày upadate gần nhất. Chúng tôi thường cập nhật cho bài viết cũ nên sử dụng ngày update gần nhất . Để thực hiện được điều này, các bạn hãy làm theo các bước sau:

Bước 1

Lưu ý: điều này có thể khác nhau tùy thuộc vào theme WordPress của bạn. Trước tiên, bạn cần chỉnh sửa tệp single.php của mình và tìm mã sau:

<?php the_time(‘F j Y’); ?>

Bước 2

Thay  đoạn mã trên bằng đoạn mã này

Last updated on <time datetime=”<?php the_modified_time(‘Y-m-d’); ?>“><?php the_modified_time(‘F jS, Y’); ?></time>

Bài đăng trên blog của bạn giờ đây sẽ hiển thị ngày cập nhật cuối cùng. Mã trên  xác thực trong Google Structured Data Testing Tool của Google và ngày cập nhật sẽ hiển thị trên các trang tìm kiếm. Như bạn có thể thấy trong ví dụ bên dưới, chúng tôi đã đăng bài viết này cách đây 5 ngày. Tuy nhiên, chúng tôi đã thêm bản cập nhật vào nó 2 ngày trước. Google đã thu thập dữ liệu lại sau khi chúng tôi cập nhật và hiển thị như mới trong SERPs. Điều này có thể giúp tăng CTR của bạn.

Ngày cập nhật cuối cùng trên SERPs

Hãy nhớ rằng, phải thực sự cập nhật nội dung của bạn, đừng làm giả ngày để chúng trông gần đây thay vì ngày/giờ thực tế của bài đăng để ăn gian google, nó sẽ dừng luôn việc hiển thị ngày giờ cho bài viết của bạn.

31. Nội dung Evergreen

Nội dung Evergreen rất quan trọng khi nói đến WordPress SEO cũng như trong việc duy trì được lưu lượng truy cập organic traffic về lâu về dài. Evergreen có nghĩa là những nội dung luôn mới, cập nhật kịp thời đại. Thường thì những bài viết có nội dung evergreen luôn đòi hỏi người viết thỉnh thoảng phải cập nhật lại thông tin vì theo thời gian đa phần mọi thứ đều có sự thay đổi đôi chút.

Một ưu điểm khác của nội dung evergreen là bạn có thể chia sẻ nó nhiều lần và tiếp tục xây dựng backlinks và socials signals. Nếu bạn chọn viết những nội dung evergreen hoặc tin tức thời sự, bạn phải chắn chắn rằng mình có thể theo đuổi cuộc chơi lâu dài.

32. Google Knowledge Graph

Bạn đã từng nhìn thấy cái hộp xuất hiện ở đầu trang tìm kiếm Google chưa? Nó được gọi là Google Knowledge Graph (Sơ đồ tri thức của Google). Nếu làm được điều này có nghĩa là với cùng một từ khóa và bài đăng bạn được xếp hạng 2 lần trên trang tìm kiếm. Làm thế nào để bạn làm được điều này?  Tin buồn là chưa có công thức nào để đạt được 100% điều này, nhưng từ trải nghiệm cá nhân trong việc thêm các schema Markup và sử dụng header,các bullet lists, chúng tôi nghĩ rằng bạn có thể giành được Google Knowledge Graph. Cấu trúc bài đăng một cách trật tự, có tổ chức cùng với các markup và đi trên một con đường đúng đắn.

Google knowledge graph

33. SEO tiêu cực

SEO tiêu cực là một chủ đề cực kì quan trọng vì nhiều người không biết cách xử lý nó. Thông thường, trong SEO ai cũng muốn có được những backlink từ những trang web tốt, có chất lượng để nâng cao uy tín website của mình. Tuy nhiên, chiến lược này nhiều khi phản tác dụng và gây tổn hại đến trang web của bạn,

Đây là lý do tại sao bạn nên giám sát hồ sơ backlink của mình. Đó là cách duy nhất để biết được có Seo tiêu cực nào đang ảnh hưởng xấu đến công việc của bạn hay không.  Có một một doanh nghiệp đã bị tấn công và sáng hôm họ nhận được hơn 200.000 backlinks xấu chống lại họ. Bạn có tin không? Phải mất hơn 2 năm để dọn sạch đống lộn xộn đó. Đó là tác hại của SEO tiêu cực

backlinks xấu – SEO tiêu cực

Ban đầu điều này có vẻ không công bằng vì bạn không thể ngăn ai đó gửi một backlink xấu chống lại bạn. Do đó, nếu điều này xảy ra với bạn, Google có một công cụ xử lý gọi là “Disavow tool”. Nó cho phép bạn lập ra một danh sách các địa chỉ mà bạn muốn Google bơ đi. Đây ít nhất cũng là một cách tự bảo vệ mình.

34. Tạo các trang mạng xã hội

Một mẹo khác là bạn hãy lập ra các trang mạng xã hội càng sớm càng tốt. Thông thường bạn nên làm điều này ngay sau khi lập ra trang web. Hầu hết các backlinks từ social media đều là nofollow nhưng nó sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lượng truy cập. Thêm một ưu điểm lớn nữa là các trang mạng xã hội có xếp hạng rất tốt trong các trang tìm kiếm, vì vậy nó sẽ góp phần vào việc mở rộng website. Hãy lấy Kinsta làm ví dụ. Nếu bạn search trong google “kinsta” bạn sẽ thấy rằng trang Facebook và Twitter của chúng tôi xuất hiện trên trang đầu tìm kiếm. Và trang LinkedIn của chúng tôi cũng lọt top đầu ở trang thứ hai. Sử dụng các trang mạng xã hội gần như sẽ mang lại hiệu quả ngay lập tức mà không phải tốn nhiều công sức.

Xếp hạng từ Social media

Bạn có thể sử dụng một công cụ miễn phí như Namechk để xem tên nào đã có sẵn trên social media. Ngay hôm nay, hãy tạo các trang mạng xã hội cho web của bạn.

35. SEO địa phương

SEO địa phương là một chủ đề lớn, rất khó để truyền tải hết trong một bài viết. Một số mẹo nhanh cho các doanh nghiệp địa phương là phải đăng ký ngay lập tức trang web của mình với Google Business và Bing Places. Đây hai trang hoàn toàn miễn phí, chúng sẽ giúp bạn hiển thị trong các tìm kiếm mang tính địa phương Ví dụ: như hình bên dưới, tôi tìm kiếm thực phẩm “organic italian” và Picazzo’s thì một trang web tại Ý đã nhảy lên top đầu trang tìm kiếm

SEO địa phương

36. Tìm kiếm hình ảnh trong Google.

Ở phần trên, chúng tôi khuyên bạn nên tạo một tài khoản Goolge Search Console để submit Sitemaps. Bạn đã làm chưa? Nếu chưa thì đây có thêm một lý do nữa để bạn phải làm điều này đó là nó giúp bạn theo dõi được trạng thái chỉ mục của hình ảnh trong Google Image Search. Thực sự mà nói theo thời gian thì lưu lượng truy cập có được từ hình ảnh có thể tăng lên một chút vì vậy bạn cần phải chắc chắn rằng hình ảnh của mình đã được google lập chỉ mục. Bạn có thể nhấp vào “Sitemap” trong phần Crawl của GSC để kiểm tra.

Lập chỉ mục Google image search

Bạn cũng cần chắn chắn rằng hình ảnh của bạn vẫn được Google lập chỉ mục khi chuyển sang CDN. Những ai dùng plugin Yoast SEO cần thêm mã sau vào cuối tệp functions.php của mình, bạn nhớ thay bằng tên địa chỉ của bạn.

function wpseo_cdn_filter( $uri ) {

return str_replace( ‘http://yourdomain.com’, ‘http://cdn.yourdomain.com’, $uri );

}

add_filter( ‘wpseo_xml_sitemap_img_src’, ‘wpseo_cdn_filter’ );

Nếu bạn không làm điều này nó sẽ khiến hình ảnh của bạn bị xóa chỉ mục (như hình bên dưới), nghĩa là bạn mất hết những lợi ích có được từ Google image search. Bạn có thể  kiểm tra trong Google Search Console.

Không lập chỉ mục trên CDN

Vào tháng 09/2018, Google cũng đã thay đổi thuật toán tìm kiếm hình ảnh của nó. Một vài điểm đáng chú ý là:

– Họ sẽ ưu tiên những hình ảnh có tính chất mới mẽ

– Những hình ảnh trên trang có xếp hạng tốt hơn thì được xếp hạng cao hơn

– Ưu tiên ảnh “chính chủ”

37. Không lập chỉ mục cho các trang đính kèm hình ảnh

Khi bạn đăng một bức ảnh theo cách chèn ảnh thông thường, thì WordPress thường tạo ra một trang riêng biệt dùng để đính kèm hình đó. Nếu bạn không cẩn thận, Google cũng sẽ tự lập chỉ mục cho trang này, điều này đôi khi không có lợi. Bởi vì nếu một ai đó nhấp vào link này, họ sẽ chỉ thấy mỗi hình ảnh mà không có bất kì nội dung nào đi kèm, do đó, họ sẽ bỏ đi, điều này khiến cho tỉ lệ thoát của bạn tăng lên. Nếu bạn thấy tình trạng này xuất hiện trên trang của mình, bạn có thể điều chỉnh bằng cách: chọn Advanced trong thẻ Yoast SEO -> tại mục Redirect attachment URLs to parent post URL bật Redirect.

Chuyền hướng về URLs gốc

38. SEO đa ngôn ngữ

Thêm các ngôn ngữ vào trang của bạn có thể mở rộng đối tượng người xem đồng thời giúp gia tăng lượng truy cập cho web. Neil Patel đã thử nghiệm điều này và thấy lưu lượng truy cập tăng 47% sau khi dịch trang web của mình sang 82 ngôn ngữ. Dĩ nhiên điều này phụ thuộc vào việc kinh doanh cũng như vị trí địa lý của mỗi người, không phải ai làm như vậy cũng có hiệu quả, nhưng bạn nên suy nghĩ về điều này . Khi thực hiện điều này trên WordPress bạn nhớ đặt đúng thẻ hreflang và các thẻ chuẩn để Google không la om sòm lên vì nội dung trùng lắp. Ví dụ, những thẻ này sẽ cho Google biết bản gốc là tiếng anh, bản phụ là tiếng Tây Ban Nha

English Version

<link rel=”canonical” href=”https://kinsta.com” />

<link rel=”alternate” href=”https://kinsta.com” hreflang=”x-default” />

<link rel=”alternate” href=”https://kinsta.com/es” hreflang=”es” />

Spanish Version

<link rel=”canonical” href=”https://kinsta.com/es” />

<link rel=”alternate” href=”https://kinsta.com” hreflang=”x-default” />

<link rel=”alternate” href=”https://kinsta.com/es” hreflang=”es” />

Có nhiều plugin có thể giúp bạn dịch nội dung như WPML hoặc các dịch vụ dịch thuật cho WordPress như Weglot. Nhưng dù sao máy dịch sẽ chẳng bao giờ bằng người dịch, tốt nhất bạn nên thuê một người bản xứ dịch bài cho bạn.

39. Tốc độ trang web

Tốc độ website cũng đóng vai trò rất quan trọng trong WordPress SEO. Google cũng chính thức cho biết điều đó. Bạn có biết tại sao Google lại coi trọng tốc độ website không? Đó là vì nó quan trọng đối với người dùng. Dưới đây là một vài số liệu thống kê cho bạn:

  • 1 trong 4 khách truy cập sẽ từ bỏ trang web nếu mất hơn 4 giây để tải.
  • 46 % người dùng không truy cập lại các trang web hoạt động kém.
  • chỉ có 5 giây để thu hút khách truy cập trước khi họ xem xét liệu có nên rời đi hay không
  • 74% người truy cập web từ di động sẽ rời đi nếu mất hơn 5 giây để tải.
  • Mỗi một giây chậm trễ trong quá trình load trang sẽ làm mất đến 1.6 triệu đô hàng năm cho các ông lớn như Amazon

Có một vài cách có thể giúp bạn khắc phục được điều này, đầu tiên, hãy sử dụng một máy chủ lưu trữ WordPress được quản lý nhanh như Kinsta, thêm CDN và tối ưu hóa trang web của bạn

40. Sửa những đường link bị hỏng

Chẳng một ai thích những đường link hỏng và Google cũng thế. Có một vài cách giúp bạn có thể sửa các link hỏng trên WordPress. Đầu tiên bạn cần kiểm tra trong Google Search Console. Đó, lại thêm một lý do nữa để bạn phải dùng Google Search Console. Trong phần Crawl, click chọn Crawl Error, nó sẽ hiển thị lỗi cho bạn. Click chọn từng lỗi để biết link nào đã bị hỏng.

Link hỏng trong Google Search Console

Có nhiều plugin giúp kiểm tra link hỏng cho WordPress, nhưng chúng tôi nghĩ bạn không nên sử dụng vì nó có thể làm tổn hại đến hiệu suất trang web. Nếu bạn muốn scan link hỏng trên web, hãy dùng công cụ scan trực tuyến miễn phí như Online Broken Link hoặc dùng công cụ kiểm tra chúng tôi sẽ nói đến sau đây.

41. Kiểm tra SEO WordPress

Một cách tuyệt vời để ngay lập tức biết được trang WordPress của bạn đã được tối ưu hóa ở mức nào đó là kiểm tra nhanh WordPress SEO. Có nhiều công cụ cả miễn lẫn tính có thể giúp bạn làm điều này và SeoSiteCheckup là một trong số đó. Đây là một công cụ miễn phí với hơn 50 mục kiểm tra có thể giúp bạn biết được bạn đã làm tốt được những gì. Bên cạnh đó còn có Varvy, nó sẽ cho bạn biết về khả năng truy cập của Googlebot, khả năng sử dụng trên thiết bị di động, bảo mật, trợ năng, tốc độ trang, v.v.

Công cụ Varvy SEO

SEMrush là một dịch vụ trả phí, nó cũng cung cấp một công cụ rất tốt để kiểm tra SEO. Công cụ này cho bạn biết bạn đang bị thiếu tag ALT nào, những trang nào có tỉ lệ text-HTML thấp và thậm chí đếm số lượng từ thấp cho bạn. Mặc dù những công cụ này khá cơ bản nhưng chúng có thể là một cách hay để kiểm tra SEO.

SEMrush

42. Khả năng sử dụng trên thiết bị di động

Gần đầy, Google vừa thông báo việc thử nghiệm lập chỉ mục đầu tiên trên thiết bị di động, điều này có nghĩa là những thuật toán xếp hạng của họ sẽ tính thêm khả năng khả dụng của website trên thiết bị di động. Đây là một thay đổi lớn trong cách Google lập chỉ mục nội dung. Điều này cho thấy, hiện nay thiết bị di động có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu bạn chưa có một trang web nào đáp ứng điều này, thì hãy dẹp hết những thứ khác qua một bên và bắt tay làm nó ngay đi. Hãy sử dụng Google’s mobile-friendly tool của Google để xem liệu trang web WordPress hiện tại của bạn có vượt qua bài kiểm tra này hay không.

Google mobile-friendly test

Một lựa chọn khác là triển khai thực hiện Google AMP nó cho phép bạn xây dựng các website với trọng lượng nhẹ

43. WordPress Categories

Tuy không bắt buộc nhưng việc lập chỉ mục cho các Categories trong google cũng có thể gia tăng mức độ liên quan cho nội dung bài viết của bạn, nhờ đó mà đẩy được thứ hạng trang, tăng lượng truy cập và cải thiện WordPress SEO. Theo mặc định, nhiều chủ đề WordPress không hiển thị mô tả Category. Làm theo các bước bên sau để lập chỉ mục Categories và hiển thị chúng trên trang web:

Bước 1

Để categories được xếp hạng trong Google, tại tab Yoast SEO chọn Title & Meta ->Taxomies -> bật Index trong Meta Robots

Chỉ mục Categories

Bước 2

Nếu theme WordPress của bạn không hiển thị Category trên giao diện người dùng, bạn thêm mã sau vào đầu tệp archive.php.

<div><?php echo category_description(); ?></div>

Bước 3

Nhập mô tả Category mà bạn muốn lập chỉ mục vào

Mô tả Category

  1. Google Analytics

Cách tốt nhất để biết SEO WordPress của bạn hoạt động ra sao theo thời gian là đăng ký tài khoản miễn phí với Google Analytics. Trước hết bạn cần liên kết tài khoản Google Analytics với tài khoản Google Search Console của bạn. Trong Property Settings -> chọn Search Console Setting, nó sẽ hướng dẫn bạn cách liên kết chúng.

Google Search Console và những phân tích

Nó sẽ thêm vào phần bổ sung của tài khoản Google Analytics, tài khoản này sẽ cho phép bạn xem các truy vấn tìm kiếm và các trang đích tốt nhất của bạn.

Nguồn: Kinsta

Tìm kiếm queries trong analytics

Một phần khác cần chú ý là kênh “Organic Search” . Đây là lưu lượng truy cập đến từ Google, Bing, Yahoo, v.v.

Kênh tìm kiếm Oraganic

45. Theo dõi Xếp hạng Từ khoá

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là việc bạn phải theo dõi thứ hạng từ khóa của mình. Nếu bạn dành thời gian tối ưu hóa bài viết thì bạn cũng cần phải theo dõi sự tiến bộ từ khóa chính trên bảng xếp hạng trong một thời gian dài. Một chiến lược mà chúng tôi đã áp dụng là theo dõi các từ khóa của bài đăng nằm ở vị trí đầu tiên ở trang 2 Google. Sau khi dành thời gian để thêm nội dung, hình ảnh, xây dựng backlinks …hiện nay chúng đã thành công lọt vào trang 1.

Bạn nên dùng AccuRanker, một công cụ theo dõi xếp hạng từ khóa tuyệt vời, với các nhà phát triển tuyệt vời.

Xếp hạng từ khóa

Kết

Như vậy, để trang WordPress của mình hoạt động hiệu quả, bạn phải quan tâm đến nhiều yếu tố trong WordPress SEO. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, nó có thể làm bạn cảm thấy quá tải vì có quá nhiều thứ phải làm, thêm vào đó trong SEO không phải mọi thứ đều có thể phân rõ trắng đen. Hy vọng những thủ thuật trên sẽ phần nào giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi theo đuổi cuộc đua dài hạn này. Nếu chúng tôi đã bỏ qua những mẹo hay nào hoặc bạn có câu hỏi nào cần giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi bằng cách comment vào bên dưới nhé!

Theo Kinsta.

Chúng tôi rất vui nếu bạn chia sẻ suy nghĩ của mình

Bình luận

Exit mobile version
Shopping cart