Ngày 12/7/2025, tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tổ chức tại Paris, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn – Kiếp Bạc chính thức được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là di sản liên tỉnh thứ hai, sau Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nước nhà.
Quần thể này trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng, gồm 12 điểm di tích nổi bật như Chùa Hoa Yên, Chùa Vân Tiêu, Chùa Đồng, Am Ngọa Vân thuộc Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Vĩnh Nghiêm, rừng Yên Tử Tây Yên Tử, Chùa Bổ Đà, Đền Suối Mỡ (Bắc Ninh); và Chùa Côn Sơn, Đền Kiếp Bạc, Chùa Thanh Mai, Đền Nguyễn Trãi (Hải Phòng). Đây đều là những địa danh gắn liền với lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và các danh nhân kiệt xuất như Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Đặc biệt, các di tích tại Quảng Ninh có sức hấp dẫn mạnh mẽ với khách du lịch và phật tử bởi nơi này là trung tâm khởi nguồn của Thiền phái Trúc Lâm – dòng Phật giáo thuần Việt được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thế kỷ XIII. Chùa Yên Tử, với hệ thống chùa, am, tháp và tượng đậm đà tinh thần thiền, đồng thời lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử và văn bia quý giá chính là điểm nhấn tâm linh không thể bỏ qua.
Quần thể di tích không chỉ là minh chứng sinh động về lịch sử, văn hóa và tâm linh Việt Nam mà còn thể hiện sự hòa giao hài hòa giữa kiến trúc cổ kính, cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đặc trưng. Việc UNESCO công nhận mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững, giúp các tỉnh liên quan phối hợp triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời góp phần quảng bá sâu rộng giá trị văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt lịch sử và văn hóa, quần thể này còn là biểu tượng của tinh thần hòa hợp, hòa bình và sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, thể hiện rõ vai trò của Phật giáo Trúc Lâm trong việc xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam. Đây thực sự là một di sản đặc biệt, giàu ý nghĩa dành cho cả đất nước và nhân loại.