Những ngày qua, TP.HCM lại “nóng” lên với hàng loạt phản ánh về các phòng khám tư có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền”, thậm chí nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động, lợi dụng lòng tin của người bệnh để trục lợi. Trong vòng chỉ ít ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện hai phòng khám tại phường Cầu Ông Lãnh và Thủ Đức có biểu hiện tiêu cực trong quy trình khám, chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này không phải mới, nhưng mức độ tinh vi và táo tợn dường như ngày càng tăng, khiến người dân hoang mang, mất niềm tin vào hệ thống y tế tư nhân.
Cụ thể, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Khang Thịnh tại số 114 Trần Đình Xu, phường Cầu Ông Lãnh đã bị thanh tra đột xuất sau khi nhận được phản ánh của người dân. Khi kiểm tra, đoàn công tác phát hiện nhiều bất thường: Hồ sơ bệnh án ghi chép sơ sài, không minh bạch, có nhiều khoản thu chưa được ghi nhận đầy đủ, thậm chí việc chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng và điều trị không rõ ràng về chuyên môn. Đặc biệt, một trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán thai 4-5 tuần và chỉ định đình chỉ thai bằng thuốc nhưng quy trình ghi chép chưa đúng quy định, không thể hiện rõ ràng diễn biến bệnh lí cũng như các dịch vụ đã cung cấp. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi lớn về tính minh bạch và trách nhiệm nghề nghiệp của y bác sĩ tại các cơ sở này.
Những vụ việc tương tự không phải là cá biệt. Tình trạng “vẽ bệnh, moi tiền” đã diễn ra nhiều năm qua, đôi khi biến tướng thành những “chiêu trò” tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Điển hình như việc chỉ định làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh với lý do “mơ hồ”, nâng khống chi phí điều trị, thậm chí bán thuốc không rõ nguồn gốc hay thực hiện các thủ thuật chưa được cấp phép. Điều đáng nói, nhiều phòng khám lợi dụng tâm lí ngại tố cáo, sợ phiền hà của bệnh nhân để kéo dài tình trạng tiêu cực, gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà còn cả sức khỏe, tâm lý của người dân.
Đứng trước thực trạng này, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có những động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình hình. Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hoạt động 24/7, các kênh tra cứu thông tin pháp lý về hành nghề y dược được đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành gần 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có 158 tổ chức và 138 cá nhân vi phạm. Các nội dung vi phạm chủ yếu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép, quảng cáo sai sự thật, bán thuốc không có đơn, kinh doanh dược phẩm không rõ nguồn gốc… Sở cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để tự bảo vệ mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không vội vàng chi trả các khoản phí không rõ ràng, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ và phản ánh ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Trước khi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, nên tra cứu kĩ thông tin về giấy phép hoạt động, đội ngũ bác sĩ để tránh “tiền mất tật mang”. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, công khai minh bạch kết quả xử lý để tạo niềm tin cho người dân. Chỉ có sự chung tay, quyết liệt của cả hệ thống và ý thức tự giác của mỗi cá nhân mới hy vọng “dọn sạch” những “ổ bệnh” lợi dụng sức khỏe, niềm tin của người dân để trục lợi. TP.HCM đã vào cuộc, nhưng liệu cuộc chiến này có thực sự dứt điểm, hay chỉ là những cơn “sốt” nhất thời rồi lại tái diễn? Câu trả lời phụ thuộc vào sự kiên quyết của cơ quan chức năng và sự chủ động của cả cộng đồng.